3 mở bài VỢ NHẶT đạt điểm cao

admin

Administrator
Staff member
Mở bài 1: Kim Lân là một trong số ít những nhà văn thành công khi viết về cái nghèo, cái đói để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Khi viết về cái đói, Kim Lân không dừng lại ở việc khơi gợi lòng thương cảm, xót xa mà còn tạo ra một nỗi ghê sợ, ám ảnh về sức mạnh hủy diệt của nó đối với nhân phẩm và thể xác con người. Tuy nhiên, với thông điệp “Hãy tin ở con người”, hầu hết nhân vật của Kim Lân, đến cuối truyện luôn tìm về với bản chất tốt đẹp, đáng quý của mình. Đại diện cho kiểu nhân vật này, chúng ta có thể kể đến người vợ nhặt trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn. Đây là nhân vật bị cái đói xui khiến, sẵn sàng vứt bỏ tự tôn, nhắm mắt đưa chân theo người xa lạ vì một miếng ăn. Nhưng, ở đâu đó trong con người thị vẫn luôn tồn tại những phẩm chất đáng trân trọng của một người phụ nữ truyền thống: đảm đang, biết vun vén gia đình và cũng đầy tinh tế, ý nhị.

Mở bài 2: Nạn đói khủng khiếp năm 1945 đã khiến cho nhân dân ta rơi vào tình cảnh vô cùng thê thảm. Tình cảnh ấy được các nhà văn tái hiện chân thực trong những sáng tác của mình. Nhà văn Kim Lân cũng là một trong số đó. Ông đã khắc họa số phận của những người nông dân qua tác phẩm “Vợ nhặt” bằng một lòng thương cảm sâu sắc.

Mở bài 3: Còn nhớ sinh thời tác giả của Bỉ vỏ - nhà văn Nguyên Hồng từng “phán” về đồng nghiệp của mình rằng: Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất” với “người” với “thuần hậu nguyên thuỷ” của cuộc sống nông thôn. Quả thật không chê vào đâu được lời “truyền thần” ấy của nhà văn Nguyên Hồng! Sự nghiệp và những quan niệm về văn chương của Kim Lân qua những tác phẩm của ông đã để lại rất nhiều những ấn tượng đẹp trong lòng độc giả, và càng chứng minh nhận định của nhà văn Nguyên Hồng không thể bỏ đi từ nào được. Đọc “Vợ nhặt” - tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân, ta càng hiểu rõ và thấm nhuần hơn điều này.
 
Back
Top